Văn phòng Diện Chẩn Sống Khỏe_ Khu nhà 102 Ngõ 95 Chùa Bộc-Đống Đa-Hà Nội _ ĐT : 0906143408

Hướng dẫn lý thuyết và thực hành cơ bản miễn phí cho những quí vị thực sự yêu thích Diện Chẩn . Hãy gọi cho chúng tôi để biết lịch .

Tư vấn sức khỏe , chẩn bệnh đưa ra phác đồ miễn phí.

Chủ Nhật, 2 tháng 8, 2015

Biện pháp ứng phó cần thiết khi nhà bị ngập lũ

Mùa mưa bão, đi kèm theo với lũ gây tổn thất cả về người lẫn của cải. Nước lũ dâng cao khiến nhiều nhà dân bị ngập trong nước.
Từ ngày 25/7, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, một trận mưa lịch sử lớn nhất trong vòng 50 năm qua đã khiến các thành phố Hạ Long, Cẩm Phả, Uông Bí và hầu hết các trung tâm huyện, thị trấn Đông Triều, Vân Đồn, Hoành Bồ đều ngập lụt. Mưa lớn gây ngập lụt sâu, nhiều ngôi nhà bị đổ sập. Cẩm Phả và Hạ Long là 2 thành phố chịu nhiều thiệt hại nhất. 
Tính đến 9g ngày 28/7 đã có thêm 11 người thiệt mạng tại thành phố Hạ Long. Trước đó mưa lũ đã làm 3 người chết và 2 người bị thương ở Cẩm Phả. Trận mưa lớn kéo dài đã khiến gần 100 hộ dân khu 4 phường Mông Dương, Cẩm Phả bị ngập trong nước lũ và bùn lầy.
Trong những năm qua, TPHCM cũng như các tỉnh miền Tây và miền Trung, gặp không ít các trận mưa lớn kéo dài nhiều giờ đồng hồ và kết hợp với triều cường dâng cao khiến nhiều tuyến đường ngập nặng, giao thông tê liệt nhiều giờ liền. Mưa lớn đã nhấn chìm hàng trăm ngôi nhà tại miền Trung, nhiều người dân mất tích, thiệt mạng.
Biện pháp ứng phó cần thiết khi nhà bị ngập lũ - ảnh 1Thành phố Cẩm Phả ngập lưng chừng trong nước lũ (Ảnh: Báo Quảng Ninh)

Ứng phó khi nước lũ vào nhà

Bảo vệ đồ đạc
Khi nhà bị ngập lụt, cần nhanh chóng di chuyển các vật cần thiết, đồ điện, bình ga, những vật có giá trị... ở những nơi trong nhà mà lũ không thể dâng tới, di chuyển đến nơi cao hơn.
Chuẩn bị các loại phương tiện che mưa, vải nhựa, túi ni lông dày, chắc, dây chằng để chứa những vật dụng cần thiết như giấy tờ, tài liệu, áo quần... chằng buộc các vật dụng trong nhà dễ bị trôi nổi khi lũ lụt.
Ngắt kết nối các thiết bị điện, ga, nước.
Bảo vệ sức khỏe
Trong mùa mưa lũ, các vi sinh vật gây bệnh từ đất, bụi, rác, chất thải hòa vào dòng nước làm ô nhiễm môi trường, dịch bệnh dễ phát triển mạnh. Các nguồn nước, công trình cấp nước và vệ sinh bị phá huỷ làm tăng nguy cơ gây bệnh. Các bệnh đường tiêu hóa như tiêu chảy, dịch tả, thương hàn, bệnh dị ứng, bệnh do muỗi truyền, cảm lạnh rất dễ phát sinh.
Biện pháp ứng phó cần thiết khi nhà bị ngập lũ - ảnh 2Nước lũ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân (Ảnh: Internet)
Vì vậy, việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong thời điểm này rất quan trọng. Ăn chín, uống sôi, không ăn rau sống… đồng thời quản lý gia súc, gia cầm một cách chặt chẽ.
Phòng chống rắn, rết, ruồi, muỗi, bọ, chuột để bảo đảm vệ sinh chung.

Việc cần làm sau khi nước rút

Sau khi nước rút cần hết sức thận trọng khi bước vào nhà, lưu ý các đường dây điện có thể bị đứt. Không bật lửa nếu nghi ngờ có đường dẫn khí ga bị phá vỡ.
Kiểm tra thực phẩm, vứt bỏ các loại thực phẩm nếu bị nhiễm bẩn.
Kiểm tra nguồn nước, thanh lọc sạch nước nếu có dấu hiệu bị ô nhiễm. Tránh sử dụng nguồn nước lũ vì nước có thể bị ô nhiễm bởi dầu, xăng, nước thải.
Sửa chữa bể tự hoại, các hố lọc, giếng nước khi bị hư hỏng, rò rỉ. Hệ thống thoát nước bị hư hỏng gây nguy cơ nghiêm trọng cho sức khỏe.
Làm sạch và khử trùng tất cả mọi đồ đạc bị ẩm ướt trong nhà. Bùn bám từ nước lụt có thể chứa nước thải và các hóa chất gây hại.
Xử lý xác súc vật chết bằng cách phun hóa chất diệt trùng, tưới dầu hỏa lên xác động vật để chống sự xâm nhập của các loài ăn thịt và côn trùng và mang đi chôn hoặc tiêu hủy hợp lý.
Biện pháp ứng phó cần thiết khi nhà bị ngập lũ - ảnh 3Với những vùng hay bị ngập nước do mưa lũ, cần có các biện pháp chủ động ứng phó (Ảnh: ĐSPL)

Tại những vùng hay xảy ra nước lũ vào nhà

Thường xuyên theo dõi thời tiết trên báo đài để nắm được thông tin và chỉ động ứng phó kịp thời ứng phó với nước lũ.
Nên chủ động dự trữ nguồn lương thực, thực phẩm, đặc biệt là các thức ăn khô, nước sạch đảm bảo đủ dùng trong một thời gian thích hợp. Đồng thời phải dự trữ chất đốt, bếp ga mi ni hoặc dầu hỏa để có thể đun nấu tạm thời, hóa chất để xử lý nước bẩn như phèn chua, viên chloramin bảo đảm các yêu cầu sinh hoạt trong những ngày lũ lụt.
Không quên các loại thuốc dự phòng như dầu gió, thuốc đau bụng, tiêu chảy… và các vật dụng khác như dao, đèn pin, nến, hộp quẹt và đồ cứu thương.
Lưu ý kiểm tra lại cơ sở hạ tầng của ngôi nhà, nhất là cửa nẻo, mái nhà. Kiểm tra hệ thống thoát nước để nước không bị tắc, tràn vào nhà. Nếu có nuôi súc vật, cần trang bị lại chuồng, lồng chắc chắn, hoặc sơ tán vật nuôi đến nơi an toàn khi có mưa lũ.

Chủ động sơ tán ra khỏi vùng có nguy cơ ngập lụt cao khi có lệnh của chính quyền địa phương.


1 nhận xét: